Vị Dalai Lama thứ 14 là Lhamo Dhondup, sinh ra tại ngôi làng nhỏ thuộc Tây Tạng vào năm 1935. Ông sớm được tôn vinh là lãnh đạo của chính phủ lưu vong được thành lập tại Dharamsala, phía Bắc Ấn Độ khi mới 15 tuổi.
Ông cũng được biết đến là tác giả và triết gia Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng với những tác phẩm như: The Air of Happiness: A Handbook for Living, How to Practice: The Way to A Meaningful Life và Beyond Religion: Ethics for the Whole World.
Vào năm 1989, ông giành giải Nobel Hòa Bình và liên tục đến nhiều vùng miền trên thế giới để truyền giáo về tình thương, bản chất của sự thật và hạnh phúc.
Dưới đây là 17 lời trích dẫn nổi tiếng mang đậm triết lý nhà Phật của ông, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc, là kinh nghiệm ông đã đúc rút được sau khi đi qua nhiều mảnh đất, tiếp xúc và gặp gỡ với biết bao nhiêu con người ở khắp mọi nơi.
1. Người Tây Tạng có câu nói, “Nên coi bi kịch là nguồn gốc của sức mạnh”. Dù bạn gặp phải những khó khăn gì hay phải đối mặt với điều đau buồn gì đi chăng nữa, nếu ta đánh mất hy vọng thì đó mới thực sự là thảm họa thật sự với chúng ta.
2. Những thời khắc khó khăn giúp ta xây dựng sự quyết tâm và sức mạnh nội lực. Qua đó, ta cũng có thể nhận ra sự vô ích của cơn giận. Thay vì giận dữ, hãy nuôi dưỡng một tâm thái biết ơn và coi trọng những kẻ gây rắc rối cho ta, vì họ đang cho ta những cơ hội vô giá để thể hiện sự khoan dung và kiên nhẫn.
3. Mỗi ngày, khi bạn thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay, thật may mắn vì ta vẫn còn sống, vì vẫn sở hữu cuộc sống đáng quý và ta sẽ không lãng phí nó. Ta sẽ dùng hết sức lực để phát triển bản thân, mở rộng trái tim với những người khác, để giác ngộ vì lợi ích của tất cả mọi người.
Ta sẽ có những suy nghĩ tốt đẹp về những người khác, ta sẽ không tức giận hay nghĩ xấu cho họ, ta sẽ giúp đỡ những người khác hết sức có thể.
4. Tình yêu và lòng trắc ẩn là những thứ thiết yếu, không phải các xa xỉ phẩm. Nếu không có chúng, nhân loại không thể tồn tại.
5. Mục đích lớn nhất của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu như bạn không thể giúp đỡ họ thì ít nhất cũng đừng làm tổn thương họ.
6. Đây là tôn giáo đơn giản của tôi, không cần đền chùa, không cần triết lý phức tạp. Trí óc và trái tim của bạn chính là 1 ngôi đền, còn sự tử tế của bạn chính là triết lý.
7. Nếu bạn muốn những người khác hạnh phúc, hãy dành cho họ lòng trắc ẩn. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy dùng đến lòng trắc ẩn.
8. Tôi tin rằng lòng trắc ẩn là một trong vài điều chúng ta có thể làm mà đem lại niềm hạnh phúc ngay lập tức và lâu dài tới cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ không nói tới những niềm vui ngắn hạn, ví dụ như ân ái, cờ bạc hay ma túy, mà là một điều gì đó đem đến niềm hạnh phúc đích thực và lâu dài, đó mới là thứ hạnh phúc ở lại với chúng ta.
9. Nếu bạn thực sự có lòng trắc ẩn thì điều đó sẽ không thay đổi dù người khác có cư xử tiêu cực hay làm tổn thương bạn.
10. Hãy nhớ mối quan hệ đẹp nhất là mối quan hệ mà 2 người yêu nhau nhiều hơn là họ cần nhau.
11. Nếu một vấn đề có thể giải quyết được, nếu 1 tình huống mà bạn có thể can thiệp được, vậy thì không cần phải lo lắng. Nếu một chuyện đã không thể giải quyết được, vậy thì lo lắng cũng vô ích, chi bằng đừng lo lắng nữa.
12. Mỗi người sẽ có những con đường khác nhau để tìm được hạnh phúc và sự đầy đủ. Chỉ bởi vì họ không đi con đường giống bạn không có nghĩa là họ đã lạc đường, vì thế đừng phán xét người khác.
13. Nếu có thể dùng thái độ thích hợp để ứng xử, kẻ thù lại chính là những người thầy tốt nhất của bạn, vì sự hiện diện của họ sẽ cho bạn cơ hội để trở nên mạnh hơn cũng như có lòng khoan dung, kiên nhẫn và thấu hiểu.
14. Hòa bình trên thế giới phải xuất phát từ sự hòa bình từ bên trong. Hòa bình không chỉ là không có bạo lực, mà theo tôi, hòa bình còn là khi ta có lòng trắc ẩn.
15. Hãy nhìn trẻ con mà xem. Tất nhiên chúng có thể cãi nhau, nhưng nói chung, chúng không có những cảm xúc tiêu cực như người lớn chúng ta. Hầu hết người lớn đều có ưu thế về học vấn hơn lũ trẻ, nhưng điều đó thì để làm gì khi họ trưng ra nụ cười rạng rỡ mà bên trong lại giấu giếm những cảm xúc tiêu cực?
Trẻ con không hành động như vậy. Nếu chúng bực tức với ai, chúng sẽ thể hiện điều đó, và rồi sự việc kết thúc, hôm sau, chúng vẫn có thể chơi với người đó.
16. Chỉ có duy nhất một điều quan trọng mà bạn phải luôn ghi nhớ và hãy để nó làm kim chỉ nam cho bạn, đó là dù người ta nói bạn thế nào thì cũng cứ hãy là chính mình. Hãy hỏi bản thân xem bạn muốn sống cuộc sống như thế nào. Chúng ta sống rồi chết, đây là sự thật mà ta chỉ có thể một mình đối mặt. Chẳng ai có thể giúp được chúng ta, kể cả Đức Phật. Vì thế, hãy cân nhắc cẩn thận, xem điều gì đang cản bước bạn, không cho bạn sống theo cách của mình.
17. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên mất người khác, vậy thì tâm trí của ta chỉ xoay quanh một khu vực rất nhỏ. Trong cái khu vực nhỏ bé ấy, thậm chí những vấn đề vặt vãnh cũng sẽ có vẻ như rất nghiêm trọng.
Nhưng khi bạn quan tâm đến những người khác, bạn sẽ nhận ra, cũng như chúng ta, họ cũng muốn có được hạnh phúc, họ cũng muốn được thỏa mãn. Khi bạn hiểu được điều này, đầu óc bạn sẽ tự động được mở mang, khi đó, vấn đề của chính bạn, dù là những vấn đề lớn, cũng sẽ không còn quá quan trọng nữa.
Và kết quả thì sao? Bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại trong tâm hồn mình đang lớn dần lên. Vì thế, nếu bạn chỉ nghĩ cho bản thân, cho hạnh phúc của chính mình, kết quả là bạn sẽ ít cảm thấy hạnh phúc hơn, thay vào đó là sự lo lắng và nỗi sợ hãi lại nhiều hơn.
Theo Ideapod