Tư duy con Cua, Hiệu ứng con cua, Tâm lý con cua (Crab Mentality)
“Hiệu ứng con cua” hoặc “Tâm lý con cua”, để minh họa cho tư duy ích kỷ, độc hại và đố kỵ của một số thành viên trong nhóm, những người tìm cách phá hoại và ngăn chặn sự tiến bộ của những thành viên hoạt động hiệu quả hơn trong nhóm
Có một người đàn ông đang ngồi câu cá và quan sát hành vi của đám cua trong một cái xô. Trong khi cả đám cua đang bò nhấp nhổm ở dưới, thỉnh thoảng có một con cua sẽ cố bò lên để thoát ra. Nhưng mỗi lần nó bò gần tới miệng xô, một con cua từ bên dưới sẽ vươn lên và kéo nó xuống. Sau đó, một con cua khác bò lên, rồi lại lần nữa, một con bên dưới sẽ kéo nó xuống.
Một con cua được đặt một mình trong xô sẽ dễ dàng bò lên và thoát ra ngoài, nhưng khi bạn đặt nó cùng với những đồng loại thì xảy ra một hiện tượng thú vị: Mỗi lần con cua cố gắng thoát ra, những con cua khác sẽ kéo chúng trở lại để chết chung cả đám.
Trong tâm lý học, hành vi này được gọi là “Hiệu ứng con cua” hoặc “Tâm lý con cua”, để minh họa cho tư duy ích kỷ, độc hại và đố kỵ của một số thành viên trong nhóm, những người tìm cách phá hoại và ngăn chặn sự tiến bộ của những thành viên hoạt động hiệu quả hơn trong nhóm.
ÔNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP THÀNH CÔNG HƠN TÔI
Nếu chúng ta dùng tâm lý con cua, ta có thể thấy rằng có một số người không thể vui mừng trước thành công của người khác. Giống như đám cua trong cái xô, chúng thích kéo con khác xuống ngang bằng cấp độ của chúng.
Một số nhà khoa học thần kinh tin rằng loài người bẩm sinh sợ mất mát nhiều hơn là tìm cách đạt được thành công. Đây được gọi là sự ác cảm với mất mát. Cách dễ nhất để hiểu được tâm lý ác cảm với mất mát là ví dụ này: Kiếm được £100 cũng không bằng đánh mất £100. Chúng ta cảm thấy tồi tệ khi mất hơn là khi ta kiếm được. Con người không thích mất mát, cho nên chúng ta tìm mọi cách tránh mất mát.
Vậy nếu chúng ta không thích mất mát thì chẳng phải điều này sẽ khiến ta thoải mái hơn trước thành công của người khác hay sao? Không. Đó là tại vì khi người khác thành công, nó lấy đi một phần thành công của chúng ta và tạo ra cảm giác mất mát cho chúng ta.
Như vậy, tưởng như mâu thuẫn, nhưng quả thực chúng ta thích nhìn thấy mọi người bị mất mát hơn là chỉ mình bản thân ta. Đó thực sự là trường hợp của tâm lý “nếu tao không có được thì mày cũng có không được.”
MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN CÓ ĐANG KÌM HÃM BẠN HAY KHÔNG?
Bạn đã bao giờ có cảm giác mọi người trong cuộc sống đang tìm cách ngáng chân bạn không? Bạn đã bao giờ có cảm giác mình giống như con cua trong xô, cố gắng thoát ra, nhưng rồi lại bị những người xung quanh kéo xuống? Như thể bạn là nạn nhân của Tâm lý Con cua này? Tôi từng trải nghiệm cảm giác đó một lần.
Trong năm cuối cùng tôi làm việc ở Google, ý tưởng rời công ty để thử khám phá những lĩnh vực mới và trải nghiệm mới trong cuộc sống (chủ yếu là khởi nghiệp) luôn thường trực trong tâm trí tôi. Một đồng nghiệp trong đội của tôi luôn tìm cách chế nhạo tôi “Nhìn quanh cậu mà xem, đây là thứ tốt nhất cậu nhận được trong đời.”
Lời nói của anh ta làm tôi khó chịu. “Sao anh ta lại quá hoài nghi và thiển cận như vậy?” Tôi nghĩ thế. Trên thực tế, bất cứ khi nào tôi cố gắng vượt lên trong công việc và chuẩn bị thêm một bài thuyết trình để chia sẻ với người quản lý và nhóm của tôi, anh ta sẽ tìm cách làm tôi thối chí bằng cách hỏi câu này: “Tại sao anh lại lãng phí thời gian cho việc này?”
Cuối cùng tôi nhận ra anh ta chỉ là một gã lười biếng không muốn thấy người khác tỏa sáng hay tiến bộ nhanh hơn mình—anh ta là con cua nằm dưới đáy, đang kéo tôi xuống bất cứ khi nào tôi cố gắng bò ra khỏi xô.
TẠI SAO LẠI TỒN TẠI TÂM LÝ CON CUA?
Bản chất đố kỵ của đồng nghiệp tôi được minh họa bởi thuật ngữ “TƯ DUY CỐ ĐỊNH” của nhà tâm lý học trường Stanford Carol Dweck.
Người có tư duy cố định (fixed mindset) tin rằng tính cách, trí thông minh và những phẩm chất sáng tạo của họ là cố định và không thể cải thiện được. Đó là lý do tại sao họ có xu hướng né tránh khó khăn, thách thức, dễ dàng từ bỏ, bỏ ngoài tai ý kiến phản hồi và cảm thấy bị đe dọa bởi thành công của người khác. Vì vậy thay vì làm những việc mang tính thách thức và tiến lên phía trước, họ lại chỉ thích chơi nhỏ và dìm người khác xuống như một cách để “nâng mình lên.”
Về bản chất, đó là lý do tại sao tâm lý con cua tồn tại. Nó thể hiện ở những người mang tư duy cố định không muốn mở rộng giới hạn của tư duy của họ hoặc nhìn xa hơn cái bản ngã tự tạo của họ. Họ bất mãn với hoàn cảnh hiện tại của mình nhưng không chấp nhận rằng họ có một lựa chọn hay khả năng tạo dựng thứ mà họ thực sự mong muốn trong cuộc sống. Và cho dù đó là do sợ hãi, bất an, viện lý do, những thói quen xấu, những niềm tin hạn chế hay thiếu động lực, họ khó mà chấp nhận quan điểm rằng bất cứ ai cũng có thể tạo ra thay đổi tích cực cho bản thân.
Kết quả là, thay vì làm chủ hoàn cảnh và đối mặt với những vấn đề của riêng họ, họ lại tìm cách giảm bớt sự tự tin và ngăn cản tiến bộ của những ai có dấu hiệu đang đạt được thành công vượt mặt họ. Và họ làm điều này vì đố kỵ và tức giận, thông qua hành vi dìm hàng, chỉ trích, gây chán nản và những hành động ác ý.
Tóm lại, những người mắc phải Tâm lý con cua thường mang theo mình câu thần chú này: “Ăn không được thì đạp đổ.” Và đó là lý do tại sao mà đôi khi, bạn thường không nhận ra, môi trường sống của chúng ta có thể kìm hãm ta tiến lên, phát triển theo hướng mà ta mong muốn. Đó là lý do tại sao James Clear đã viết trong cuốn sách Atomic Habits (Bản dịch tiếng Việt: Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ):
“Môi trường là bàn tay vô hình nhào nặn hành vi con người.”
Nhưng đây là điều mà bạn và tôi cần nhận ra: Đôi khi chúng ta là nạn nhân của Hiệu ứng Con cua, và có khi chúng ta lại là kẻ chủ mưu. Có lúc bạn là người kéo người khác xuống, và đến lượt bạn lại bị ai đó lôi xuống.
BẠN LÀ CHỦ MƯU HAY NẠN NHÂN CỦA HIỆU ỨNG CON CUA?
Bất luận bạn đang đóng vai trò nào, sự thật thì đây chẳng phải là cách quan hệ lành mạnh với mọi người. Dù bạn là nạn nhân hay kẻ chủ mưu, Sự sụp đổ của tập thể chẳng có lợi cho ai, mà nó chỉ phá hoại sự tiến bộ của mọi thành viên trong đó.
Tâm lý Con cua có thể tạo ra một liều dopamin tức thì và những cảm giác tích cực cho người đang kéo người khác xuống, nhưng nó không phải là chiến lược lành mạnh cho hạnh phúc dài lâu. Việc hạ thấp hoặc chỉ trích thành công của người khác không hề nâng bạn lên, mặc dù nó cho bạn ảo tưởng ngắn hạn khi làm vậy.
Khi bạn đóng vai trò chủ động trong Hiệu ứng con cua, hành động của bạn chỉ đơn giản là đang phóng chiếu sự ganh tỵ, sợ hãi và những niềm tin hạn chế sang người khác—và bạn đang nuôi dưỡng cảm giác bất an và không xứng đáng đang tồn tại trong mình.
Thực tế là luôn có người giàu có, thông minh, may mắn hơn bạn và đạt được nhiều thành công hơn trong lĩnh vực của bạn. Vì vậy nếu bạn liên tục so sánh bản thân với người khác và để thành công của họ làm bạn nhụt chí, bạn sẽ khó mà thiết lập được cảm giác về giá trị bản thân một cách ổn định, và bạn sẽ không bao giờ dám làm chuyện lớn trong cuộc sống.
Nếu bạn đang ở đầu kia của mô hình, tức là đóng vai nạn nhân, bạn sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi môi trường đang giữ chặt bạn trong những ranh giới của lối tư duy-hạn hẹp của nó.
Dù bạn thấy mình đang ở vai nào thì có một điều chắc chắn là: Bạn phải Thoát khỏi Tâm lý Con cua.
BÍ QUYẾT THOÁT KHỎI TÂM LÝ CON CUA
Nếu bạn là kẻ chủ mưu, hãy xây dựng lối Tư duy Phát triển và Tư duy cởi mở
Tâm lý Con cua dựa trên tư duy cố định đã được mô tả ở trên, nhưng tư duy này cũng là một phần mở rộng của điều mà Stephen Covey miêu tả trong cuốn sách của ông, The 7 Habits of Highly Effective People, tư duy khan hiếm (scarcity mindset):
“Người có tâm lý khan hiếm có xu hướng nhìn mọi thứ theo hướng thắng-thua, được-mất. Chỉ có nhiêu đó; và nếu người khác có thì sẽ chỉ còn rất ít cho tôi.”
Đó là một tư duy chúng ta trau dồi từ môi trường của mình và được xây dựng dựa trên giả định rằng nếu người khác thành công thì điều này có nghĩa là chúng ta không thể nào đạt được mức độ thành công cao hơn nữa.
Kiểu suy nghĩ này sẽ hút hết niềm vui trong cuộc sống của bạn: Bạn sẽ coi bạn bè là đối thủ cạnh tranh hơn là người mà có thể hợp tác và học hỏi. Bạn sẽ sống và làm việc ở tâm thế sợ hãi, trống rỗng, và bất an hơn là tâm thế và xem bản thân mình có giá trị. Bạn sẽ thu hẹp tầm nhìn của mình và chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của cái bánh chứ không phải toàn bộ.
Một góc nhìn rộng hơn, thấu cảm hơn và bớt vị kỷ, là điều mà Stephen Covey mô tả là tư duy cởi mở: “Chúng ta càng phát triển một lối tư duy cởi mở thì chúng ta càng thật lòng vui mừng trước thành công, hạnh phúc, những thành tựu, ghi nhận, và may mắn của người khác. Chúng ta tin rằng thành công của họ thêm vào…hơn là lấy đi thành công trong cuộc sống của chúng ta.”
Tư duy thịnh vượng này bắt nguồn từ sự tự tin và an toàn bên trong. Nó nâng cao ý thức của bạn để bạn có thể thấy rõ cách mà mọi thứ kết nối với nhau—bất kỳ niềm vui và sự tiến bộ gia tăng nào trong hệ sinh thái của thế giới xung quanh bạn cũng ngụ ý rằng bạn cũng có thể trải nghiệm được một sự phát triển tích cực. Bằng cách nào? Bạn có thể quan sát và học hỏi từ kinh nghiệm của người khác hoặc bạn có thể chung vui với họ.
Hãy ở cạnh những người thành công. Nguồn năng lượng tích cực mở ra nhiều cơ hội. Những người tích cực thu hút mọi người. Bằng cách hỗ trợ cho người bạn hay thành viên gia đình thành công, bạn được tắm mình trong hiệu ứng hào quang của họ. Hơn nữa, thành công của họ sẽ quét qua bạn. Bạn sẽ được lợi lạc từ những người bạn và thành viên gia đình thành công và hạnh phúc. Bằng cách nào? Em gái bạn vừa tậu một căn nhà nghỉ mát tuyệt vời bên biển cho bạn thuê với giá rẻ vào mùa hè. Ngoài lợi ích tài chính, bạn có nhận thấy tâm trạng của mình cũng bị tác động bởi mọi người xung quanh không? Nếu ai đó đang chán chường thì tâm trạng của bạn cũng bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Thái độ thịnh vượng này cũng được phản ánh trong tư duy phát triển của nhà tâm lý Carol Dweck, được dựa trên “niềm tin rằng những đức tính cơ bản của bạn là những thứ mà bạn có thể trau dồi thông qua nỗ lực, các chiến lược của bạn, và sự giúp đỡ của người khác.”
Nói cách khác, tất cả chúng ta đều có thể thay đổi và phát triển—đặc biệt khi chúng ta cho phép mình bỏ qua những niềm tin hạn chế của mình và tự mình cố gắng, trong quá trình nỗ lực đạt đến bất cứ điều ta gì chúng ta theo đuổi.
Đây là cách mà bạn có thể xây dựng và duy trì tư duy phát triển và thịnh vượng:
ĐẨY LÊN, CHỨ ĐỪNG LÔI XUỐNG.
Bạn đừng là con cua kéo người khác xuống. Thay vào đó, bạn có thể là người nâng họ lên. Hãy học cách cống hiến và phụng sự người khác. Tôi viết để phục vụ các bạn. Tôi viết để truyền cảm hứng và đóng góp cho thế giới của sự phát triển cá nhân và tư duy tốt hơn. Nó giúp tôi giữ vững lập trường. Nó cho tôi một mục đích sống. Bước đầu tiên của bạn là hãy trở thành người cho đi, chứ không phải người nhận—thúc đẩy chứ đừng kéo người khác xuống. Theo lời của Gandhi: “Cách hay nhất để tìm thấy bản thân là đánh mất bản thân bạn để phụng sự tha nhân.”
THỰC HÀNH LÒNG BIẾT ƠN.
Lòng biết ơn là bí mật của tư duy thịnh vượng, và việc thực hành nó hằng ngày sẽ tập cho tâm trí bạn nhìn thấy mọi điều tốt đẹp có sẵn ngoài kia. Đây là một thói quen để bạn bắt đầu: Viết một dòng mỗi ngày về những điều bạn thấy biết ơn.
DỪNG SO SÁNH
Chỉ so sánh bản thân với bản thân bạn trước đây. Điều này nói dễ hơn làm. Nhưng đây là vài mẹo: Định nghĩa thành công là gì đối với bạn, viết ra, bận rộn làm việc, và theo dõi sự tiến bộ của bạn.
BỎ NGAY CÂU “TÔI THẤY GHEN TỊ”.
Tính đố kỵ sẽ hủy hoại bạn. Nó sinh ra cảm giác căm ghét và oán hận đầy bất công. Khi ai đó cố gắng để đạt được điều gì đó, và họ chia sẻ tin vui với bạn, hãy đáp lại bằng những câu như “Tớ tự hào về cậu”, hay “Tớ mừng cho cậu”, hay “mình ngưỡng mộ việc cậu đang làm.” Những lời này sẽ khơi gợi nhiều cảm xúc vui vẻ trong bạn hơn là “tôi ganh tức.” Thỉnh thoảng, khi nào một người bạn nói những lời đó với tôi, tôi ngăn họ lại và hỏi thẳng “tại sao cậu lại không thấy vui giùm tớ?”
Đừng đánh giá người khác, hãy xem ánh sáng của họ như nguồn cảm hứng. Bạn có thể tô vẽ thành công của người khác theo hướng tiêu cực. Bạn có thể chỉ ra những lỗi lầm trong thành tựu của họ. Bạn có thể cho rằng họ không xứng đáng, phàn nàn rằng điều đó không công bằng, mắc kẹt trong vai nạn nhân đáng thương, và phán xét người này vì tất cả may mắn họ nhận được. Hoặc bạn có thể động lòng trắc ẩn mà nhận ra nỗ lực khó nhọc mà người đó từng chịu đựng. Bạn có thể xem anh ấy như nguồn ánh sáng và nguồn cảm hứng thổi bùng lên ngọn lửa trong bạn. Tất cả đều nằm ở góc nhìn của bạn.
Hãy hành động để hướng tới điều bạn muốn trong cuộc sống. Nếu muốn điều gì đó, hãy làm đi. Đơn giản vậy thôi. Còn ngồi một chỗ, than vãn, phán xét, hay nhìn thiên hạ đi lên chỉ khiến lòng bạn tràn đầy hối tiếc và cay đắng. Không chịu hành động là kẻ thù lớn nhất của mọi ước mơ và hy vọng. Thay vì nhìn người ta làm, bạn hãy xắn tay áo lên.
Khi bạn phát triển lối tư duy mới này, bạn tự nhiên sẽ chuyển hóa, từ kẻ chủ mưu trở thành nhân tố thúc đẩy. Và bạn sẽ tiếp tục làm những gì mà Plato từng khuyên nhủ chúng ta hàng ngàn năm trước: “Đừng bao giờ làm ai nhụt chí …những người không ngừng tiến bộ, bất kể chậm đến đâu.”
Cách thoát khỏi Tâm lý Con cua: NẾU BẠN LÀ NẠN NHÂN, HÃY NÂNG CẤP MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN VÀ GÂY DỰNG MỘT BỘ TỘC MỚI
Đôi khi không thể thay đổi môi trường của bạn—không phải lúc nào bạn cũng có thể đứng dậy và bỏ đi—nhưng bạn có thể nâng cấp nó. Xây dựng lại nó. Hãy là nhà kiến tạo của nó. James Clear viết trong cuốn Atomic Habits:
“Bạn không cần phải trở thành nạn nhân của môi trường sống của bạn. Bạn cũng có thể là nhà kiến tạo của nó … Nếu bạn muốn tối đa hóa khả năng thành công của mình thì bạn cần hoạt động trong một môi trường thúc đẩy thành công của bạn hơn là cản trở chúng.”
Và điều đầu tiên bạn phải làm khi bắt đầu kiến thiết lại là tránh xa bất kỳ ai không đóng góp năng lượng tử tế, hỗ trợ và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc sống của bạn. Nói cách khác, ngay lập tức tạo khoảng cách với những mối quan hệ tiêu cực và sau đó hình thành một bộ lạc mới.
Những người tiêu cực và không có chí lớn là những kẻ hút cạn năng lượng, đập tan ước mơ. Họ là những người không muốn làm chủ hoặc chịu trách nhiệm cho cuộc sống của riêng họ. Thay vào đó, họ cảm thấy thoải mái khi phàn nàn—nó mang lại cho họ cảm giác khuây khỏa đầy ảo tưởng. Do đó, nếu suy nghĩ niềm tin và mức năng lượng của ai đó không truyền cảm hứng cho bạn thì hãy giao du với người khác.
Xây dựng một bộ lạc mới. Một bộ lạc truyền cảm hứng và hỗ trợ bạn.
Tìm một ai đó sẽ tưới tắm cho sức mạnh của bạn.
Tìm một ai đó làm dịu đi tiếng nói chỉ trích nội tâm của bạn để bạn có thể nâng cao sự tự tin của bản thân.
Tìm một ai đó sẽ nâng bạn lên, chứ không kéo bạn xuống.
Tất cả đều là những phẩm chất của người bạn tốt.
Triết gia Khắc kỷ Epictetus từng nói: “Các anh phải cẩn thận khi cho phép bản thân dễ dãi giữa đám người không có tu dưỡng, bởi vì ta không thể nào không bị dính chàm khi va chạm với một người đang dính chàm.”
Giờ thì hãy xây dựng mạng lưới các mối quan hệ nâng đỡ bạn, một môi trường cho phép bạn phát triển.
Cuối cùng, khi bạn bò ra khỏi xô, một vùng biển rộng lớn đang chờ bạn khám phá.
Những con cua cố gắng bò ra khỏi xô là những con không muốn bị giam cầm. Chúng nhìn thấy ánh sáng trên đỉnh và chúng biết mình có cơ hội tiếp cận nó. Chúng sẵn sàng mạo hiểm vượt ra ngoài những ranh giới bị áp đặt để tìm kiếm tự do. Không may là những con cua khác trong nhóm không nhận ra điều này; chúng xem sự tự do của con cua đó là thất bại của chúng, vì thế chúng sẽ không cho phép những con cua dám mạo hiểm bỏ lại chúng đằng sau.
Nhưng bạn là con người chứ không phải con cua. Bạn được ban cho một bộ não cho phép bạn tư duy phản biện. Cuối cùng, không ai có thể giam bạn trong một chiếc hộp ngoại trừ bạn. Vâng, thật khó mà thành công khi người ta cứ liên tục tìm cách kéo bạn xuống, nhưng đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Nguồn: Bài sưu tầm từ Tâm lý học Tội phạm
————-
Tư duy khan hiếm cũng chính là một trong những lý do kìm hãm óc sáng tạo, là một sức mạnh để mỗi người có thể nghĩ ra nhiều cách tiếp cận với vấn đề hơn và đặc biệt loại bỏ sự chán chường và học cách vui với bản thân hơn.
#tamlyconcua #tuyduyconcua #hieuungconcua