Làm thế nào để kiểm tra sổ đỏ sổ hồng thật giả?

Làm thế nào để kiểm tra sổ đỏ sổ hồng thật giả

Làm thế nào để kiểm tra sổ đỏ sổ hồng thật giả?

Phải nói đây là chủ đề hay và khá nhức nhối trong thị trường bất động sản. Dù ở thời gian nào vấn đề này vẫn luôn tồn tại và hiện hữu. Đây là nội dung “động trời” mà hàng ngày báo đài vẫn hay đưa tin có những người dùng 1 cuốn sổ giả để giao dịch tận 5-6 lần để lừa đảo những người mua nhẹ dạ cả tin. Không chỉ có các nhà đầu tư nghiệp dư liên hệ tôi để hỏi về vấn đề này, mà còn cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu của tôi cũng luôn đặt vấn đề này làm vấn đề quan trọng nhất để hỏi và đi sâu.

Các trò lừa càng tinh vi nên cần trang bị kiến thức sâu

Vấn đề này tôi cũng phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi những chuyên gia hàng đầu. Vì theo thời gian, các chiêu trò lừa đảo càng tinh vi và bất chấp mọi quy định của pháp luật. Để làm một nhà đầu tư thực sự thành công, bạn cần phải luôn tỉnh táo, hiểu biết và trau dồi mọi kiến thức, dù là nhỏ nhất. Đây cũng là điều mà tôi luôn lưu ý các học viên của mình trong tất cả các khoá học dù là cơ bản hay nâng cao.

Những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp thì việc tiếp xúc với sổ đỏ, sổ hồng rất đơn giản vì hàng ngày họ làm việc với nó, giao dịch thường xuyên. Còn nhiều anh chị chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với sổ đỏ, sổ hồng sẽ khó khăn hơn trong việc phân biệt thật giả. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu cách nhận diện sổ đỏ “giả” để không “trắng tay” khi mua nhà đất.

cần trang bị kiến thức sâu

1. Sử dụng kính lúp để phân biệt sổ hồng thật giả

Sử dụng kính lúp cho việc nhận biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền liền trên đất.  Đối với giấy chứng nhận được làm giả thì các họa tiết hoa văn không được tổ hợp tạo bởi những chấm mực nhỏ màu hồng. Đối với giấy chứng thật các họa tiết hoa văn được tạo bởi tổ hợp các chấm mực hồng rất đều và đẹp.

2. Dùng đèn pin hoặc nguồn sáng khác để kiểm tra sổ hồng giả

Chiếu xiên một góc 10-20 độ với mặt giấy tại vị trí có hình dấu ở góc dưới bên tay phải của mặt trước phần dấu nổi (ở góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng) có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, được tạo ra bằng phương pháp in Typo. Nếu sổ hồng là giả, mã số hiệu được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số nên mã số hiệu thường bị đóng lệch so với hình dấu nổi.

3. Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học của sổ đỏ, sổ hồng

  • Số tờ, số thửa, mã vạch.
  • Số vào sổ quyết định
  • Loại đất Thời hạn
  • Hình thức sử dụng
  • Diện tích (bằng số, bằng chữ).

Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích…). Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.

Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa

4. Kiểm tra phôi in sổ đỏ, sổ hồng

Cách kiểm tra này chỉ thích hợp đối với những cuốn sổ được làm từ phôi giả và được in bằng laze. Việc in sổ giả được kẻ gian thực hiện bằng cách scan sổ gốc sau đó in ra 2 mặt rồi tiến hành dán lại. Bởi việc in 2 mặt trên cùng một phôi rất khó để canh đều. Chính vì vậy, khi dán 2 mặt của một cuốn sổ lại với nhau rất dễ để lại dấu vết. Để khắc phục việc này kẻ gian thường đem ép plastic cuốn sổ. Hãy cẩn trọng với những cuốn sổ được ép plastic.

Một ngày nào đó bạn sẽ thấy may mắn vì biết được điều này. Đối với những sổ có nhiều trang cần phải xem kỹ dấu giáp lai của các trang với sổ gốc, sổ có bị tẩy xóa hay không. Nếu quyển sổ này được thế chấp nhiều lần bạn phải nhất thiết kiểm tra kỹ dấu mộc. Và chữ ký của văn phòng công chứng hoặc của phòng tài nguyên môi trường.

Đối với sổ ép Plastic, bạn nên kiểm tra thật kỹ ở đơn vị cơ quan chức năng. Vì đối với loại sổ này, bạn rất khó phân biệt được bằng cách kiểm tra thủ công. Nên để chắc chắn, bạn hãy kiểm tra thật kỹ nhé. Không nên vì giá rẻ hơn một chút mà tiền mất tật mang.

5. Kiểm tra số seri của cuốn sổ

Số seri của sổ phải được in màu đỏ trên bản gốc và màu đen trên bản sao. Số seri của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được ghi liền với số seri của các quyền sở hữu các tài sản khác gắn liền trên đất nếu làm cùng nơi đăng ký.

6. Kiểm tra tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất

Để kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân. Hãy tải phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01/PYC và điền chính xác, đầy đủ thông tin. (ghi rõ lý do, thông tin thửa đất, người đứng tên Giấy chứng nhận để đối chiếu với thông tin, dữ liệu địa chính).  Sau khi điền đầy đủ thông tin thì hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy trình sau: 

Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu 

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT. Hộ gia đình, cá nhân nộp phiếu yêu cầu theo một trong các cách sau: 

  • Nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 
  • Gửi qua đường bưu điện. 
  • Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai. 
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu 
  • Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người có yêu cầu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
  • Sau khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu. 
Bước 3: Trả kết quả 

Thời hạn thực hiện: Nếu nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày. Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo. Ngoài ra, nếu người mua không tự kiểm tra hoặc không kiểm tra tại Văn phòng đăng ký đất đai. Thì phải thực hiện đúng thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên). Khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động để đăng ký vào sổ địa chính cơ quan đăng ký đất đai sẽ quét mã vạch. Qua đó phát hiện được Giấy chứng nhận thật hay giả.

quét mã vạch
Quét mã vạch sẽ phát hiện được Giấy chứng nhận thật hay giả.

7. Kiểm tra trực tiếp Sổ đỏ

Căn cứ Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, người mua có thể kiểm tra thông qua các thông tin trên Giấy chứng nhận. Đặc biệt là mã vạch được in tại cuối trang 4 của Giấy chứng nhận. 

– Mục đích của mã vạch: Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. 

– Thông tin mã vạch: Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT. Mã vạch có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:  

+ MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất. Để kiểm tra hãy đối chiếu mã đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn nơi có đất với mã trên Giấy chứng nhận. 

Lưu ý: Trường hợp UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức. Thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất. 

+ MN là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận. Ví dụ: 19 nghĩa là Giấy chứng nhận được cấp năm 2019. 

+ ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai. Tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Cách kiểm tra này dễ thực hiện nhưng tỷ lệ chính xác không cao. Người mua nên kiểm tra thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.

8. Không ham rẻ, xác minh kỹ càng

Nhiều trường hợp bị lừa mua đất bằng sổ đỏ giả vì “ham” rẻ, giá đất thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Vì vậy mà người mua cần cẩn trọng đối với các giao dịch “rẻ nhất quả đất” này.  Các sổ đỏ bị làm giả rất tinh vi cả phôi bằng lẫn chữ ký và con dấu. Tuy nhiên nếu tinh ý và kiểm tra kỹ thì người dân vẫn có thể nhận ra được những dấu hiệu bất thường.

Ví dụ như ở phần ghi chức danh, sổ đỏ giả ghi “ký thay chủ tịch UBND TP”. Nhưng lại mâu thuẫn với phần mộc đỏ ghi “Chủ tịch”…  Để tránh bị lừa đảo giấy tờ giả thì tốt nhất là trực tiếp mang giấy chứng nhận đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Hoặc Sở tài nguyên môi trường để được kiểm tra và xác minh. Chắc chắn là thật rồi mới tiến hành ký hợp đồng mua bán, đặt cọc, giao tiền. Nhà đất là một tài sản vô cùng lớn, có khi là tích góp cả đời của một gia đình. Thiệt hại khi bị lừa là vô cùng lớn, “bút sa gà chết“. Vì vậy, bạn hãy cực kì cẩn trọng, để không “trắng tay” chỉ sau một chữ ký.

Cảm ơn bạn đã xem bài Làm thế nào để kiểm tra sổ đỏ sổ hồng thật giả? Mời bạn xem thêm chia sẻ kênh Youtube Phạm Văn Nam

Bản quyền thuộc về Phạm Văn Nam và cộng sự. Cấm mọi hình thức sao chép khi chưa có phép bằng văn bản.

error: Content is protected !!