Nên hợp tác đầu tư chung bất động sản qua ứng dụng không?
Gần đây tôi thấy có trào lưu qua ứng dụng. Vậy thực chất đây là hình thức gì? Theo anh Nam, có nên hợp tác đầu tư chung bất động sản qua ứng dụng không?
Thời gian gần đây, nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản đã cho ra đời các ứng dụng trực tuyến (app) rất mới mẻ. Qua đó, nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, một dự án. Có khi chỉ cần vài triệu đồng là người mua đã có thể góp vốn vào một dự án trị giá vài tỷ đồng.
Trong các dự án được góp vốn, khách hàng sẽ ký với công ty này hợp đồng mua bán và quản lý bất động sản. Trong hợp đồng thể hiện rõ tỉ lệ khách hàng tham gia góp vốn. Lợi nhuận có thể từ 6%/năm trở lên. “Công ty cam kết mua lại phần của khách hàng nếu họ không muốn đầu tư tiếp. Hợp đồng sẽ được ký qua online (có xác thực chữ ký) hoặc hợp đồng giấy nếu khách yêu cầu. Trong quá trình đầu tư, nên công ty bất động sản sẽ chủ động tìm người mua tốt nhất để bán lại sản phẩm. Mang đến lợi nhuận cho khách hàng” – đó là theo lời những công ty bất động sản giải thích.
Là mô hình mới tại Việt Nam
Về mặt bản chất, đây là hình thức huy động vốn tham gia vào thị trường bất động sản. Ở một góc độ, đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp khi nguồn vốn cho bất động sản đang khá khó khăn. Tuy nhiên, đây là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam nên hành lang pháp lý của nó chưa rõ ràng và đầy đủ. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Mọi ràng buộc chỉ dựa vào hợp đồng hợp tác giữa khách hàng với đơn vị phát hành, không có quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm về việc triển khai dự án, tiến độ… Như một hợp đồng mua bán theo đúng quy định.
Nhiều câu hỏi đặt ra cho ứng dụng này
Bên cạnh đó, việc nhiều người cùng mua chung một bất động sản sẽ phức tạp hơn một người mua rất nhiều khi quyết định bán hay giữ. Trường hợp bất đồng ý kiến giữa các nhà đầu tư sẽ khiến việc giao dịch tài sản này trở nên phức tạp. Theo tôi, nhà đầu tư không nên chạy theo cam kết lợi nhuận không rõ ràng. Lý do là điều này phụ thuộc vào từng dự án, uy tín, năng lực của chủ đầu tư và đều ở thì tương lai. Rất nhiều nhà đầu tư đã phải vỡ mộng khi lợi nhuận cam kết không được đảm bảo.
Chúng ta có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi, mà chưa thể có câu trả lời. Cụ thể: “Với hình thức mua chung thì bên đứng ra đại diện sở hữu là ai? Mức độ tin cậy như thế nào? Nếu không bán được thì sao? Ngôi nhà ấy do ai quản lý, sử dụng…?” Việc mua chung nên do chủ đầu tư thực hiện, mọi người mua ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư và giới hạn tối đa năm người cùng sở hữu một căn hộ, một căn biệt thự, quy định rõ quyền sở hữu của từng người. Khi ra sổ, các thành viên góp vốn đều được đứng tên chung. Tỷ lệ góp rõ ràng mới đảm bảo được quyền lợi của người bỏ tiền ra. Đó là chưa tính toán đến việc lời – lỗ khi bán ra.
Hình thức mua chung qua ứng dụng rất rủi ro
Mô hình đầu tư chung mà các công ty giới thiệu là dựa theo mô hình Fintech P2P (Person to Person). Xét về pháp lý thì mua chung bất động sản với hình thức như vậy không được bảo vệ và không ai chứng nhận. Có những app cam kết có lợi nhuận ổn định thì đó là huy động vốn. Nếu không cam kết thì là mời gọi đầu tư nhưng lại không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng với hình thức này.
Hình thức mua chung qua ứng dụng rất rủi ro. Mua một dự án bất động sản thì phải có giấy tờ để chứng nhận quyền sở hữu. Có như vậy quyền lợi của người mua mới được Nhà nước, pháp luật công nhận, bảo vệ. Việc mua chung chưa đảm bảo sự xác lập quyền sở hữu cho từng cá nhân.
Mời bạn xem thêm chia sẻ kênh Youtube Phạm Văn Nam
Bản quyền thuộc về Phạm Văn Nam và cộng sự. Cấm mọi hình thức sao chép khi chưa có phép bằng văn bản.