Đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc mua đất đã được công chứng thì xử lý như thế nào?
Đặt cọc khi mua đất là vấn đề khá phổ biến hiện nay. Thực tế nhiều trường hợp vi phạm về thỏa thuận đặt cọc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mỗi bên. Do đó để tránh việc tranh chấp khi mua đất các bên cần nắm được các quy định pháp luật. Đồng thời tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên.
Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Các bên đã giao kết hợp đồng đặt cọc với mục đích là đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng mua bán. Như vậy tại thời điểm mà các bên thỏa thuận phải giao kết hợp đồng. Bên đặt cọc đã từ chối giao kết hợp đồng thì bên đặt cọc có lỗi và sẽ bị phạt cọc.
Căn cứ Điều 423 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hủy bỏ hợp đồng:
“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
c) Trường hợp khác do luật quy định.
2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Nếu bên đặt cọc từ chối việc thực hiện hợp đồng thì bạn có thể thông báo cho bên kia và đến văn phòng công chứng yêu cầu hủy hợp đồng vì bên đặt cọc đang vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng đặt cọc dẫn đến không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Hậu quả của hủy hợp đồng đó là hợp đồng đặt cọc sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Hai bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nhưng số tiền phạt cọc thì bên đặt cọc phải chịu nên bạn không phải trả lại số tiền đã đặt cọc.
Cảm ơn bạn đã xem bài Đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc. Mời bạn xem thêm chia sẻ kênh Youtube Phạm Văn Nam
Bản quyền thuộc về Phạm Văn Nam và cộng sự. Cấm mọi hình thức sao chép khi chưa có phép bằng văn bản.