Thủ tục pháp lý cần kiểm tra khi mua bán nhà đất?

Thủ tục pháp lý cần kiểm tra khi mua bán nhà đất

Thủ tục pháp lý cần kiểm tra khi mua bán nhà đất?

Khi mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thì đương nhiên ai cũng thích mua bán nhà đất đã có sổ đỏ. Người mua sẽ yên tâm hơn, còn người bán sẽ bán được giá cao hơn. Thủ tục mua bán nhà đất cũng đơn giản hơn. Nhưng liệu nhà, đất đã có sổ đỏ rồi thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm mua bán giao dịch hay chưa. Đã có thể sang tên sổ đỏ thuận lợi chưa? Bạn cần chắc chắn kiểm tra khi mua bán nhà đất các thông tin pháp lý sau:

1. Kiểm tra sổ đỏ và giấy tờ bản chính

Bạn nên đến tận nơi kiểm tra, so sánh thửa đất, căn nhà trên thực tế với thông tin trên sổ đỏ có khớp hay không. Kiểm tra và so sánh một cách tương đối sơ đồ bản vẽ và thửa đất trên thực tế. Nếu bạn biết xem sơ đồ thửa đất và bảng kê tọa độ gốc trên sổ đỏ. Thì bạn có thể xác định được vị trí dễ dàng hơn. Nếu không bạn cần ra hỏi cán bộ địa chính phường/xã để biết thông tin chính xác.

Để kiểm tra sổ đỏ thật hay giả, giấy tờ gốc như CMND, sổ hộ khẩu. Hoặc đăng ký kết hôn của bên bán có thật không thì có lẽ cũng khó cho bạn. Vì hiện nay thủ đoạn làm giả giấy tờ rất tinh vi. Và cần phải có các thiết bị giám định chuyên nghiệp có khi mới phát hiện được. Tuy nhiên các công chứng viên thường xuyên được tập huấn và có kinh nghiệm về vấn đề này. Mặc dù mức độ kiểm tra không thể chính xác 100% nhưng với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của công chứng viên thì bạn có thể yên tâm hơn.

2. Tìm hiểu Thông tin về quy hoạch, dự án

Bạn cần tìm hiểu xem ngôi nhà, thửa đất bạn định mua có đang nằm trong quy hoạch hay dự án nào không. Khi xem hồ sơ, giấy tờ sổ đỏ, thậm chí khi đã tra cứu ở Văn phòng công chứng (VPCC). Thì bạn cũng không thể biết hết được thông tin là liệu nhà đất bạn đang định mua có nằm trong quy hoạch hoặc dự án nào. Người bán nhà hoặc người môi giới có thể không cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực cho bạn. Thậm chí nhiều trường hợp bản thân người bán cũng không biết được nhà, đất của mình nằm trong quy hoạch. (do quy hoạch treo từ cách đây quá lâu chẳng hạn).

Khi nhà, đất đã nằm trong quy hoạch thì nguyên tắc chung là bạn sẽ không được giao dịch chuyển nhượng, mua bán… Và vì vậy thì đương nhiên bạn cũng không thể sang tên sổ đỏ được. Nếu như bạn không có đầy đủ thông tin thì dễ xảy ra trường hợp ký hợp đồng công chứng. Trả tiền xong rồi đến lúc đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ mới phát hiện không sang tên được.

Tìm hiểu Thông tin về quy hoạch, dự án
Ảnh minh họa

3. Thông tin về tranh chấp

Trước tiên bạn nên lưu ý rằng:

Nhà đất có thể bị ngăn chặn và dừng tất cả các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp… nếu nhà, đất đó có tranh chấp. Như vậy, nhà đất đang có tranh chấp thì có thể bạn sẽ không thể làm thủ tục mua bán nhà đất và sang tên sổ đỏ được. Những tranh chấp đất đai đã “đình đám” rồi thì bạn rất dễ biết. Có khi chỉ cần đi từ đầu phố hay đầu làng bạn đã có thông tin rồi. Thậm chí có thể đã có thông tin tranh chấp trên cơ sở dữ liệu của Văn phòng công chứng. Những tranh chấp dễ biết như vậy thì bạn có thể yên tâm không phải mất công tìm hiểu nhiều. Nhưng còn những tranh chấp nhỏ, tranh chấp “ngầm” thì bạn không dễ dàng biết được.

Chẳng hạn, tranh chấp lối đi, hàng rào, đường thoát nước…với hàng xóm. Hoặc có khi chỉ là “nhìn mặt thấy ghét”…. Những tranh chấp này chưa chắc người bán đã nói cho bạn. Vì có thể họ nghĩ không quan trọng hay ảnh hưởng gì. Nhưng thực tế cho đến khi bạn xây nhà hoặc về ở bạn mới thấy bất tiện hoặc có thể bị hàng xóm đó gây khó dễ, thậm chí ngăn cản, đập phá không cho bạn xây nhà. Thậm chí khi bạn làm thủ tục mua bán nhà đất, sang tên sổ đỏ ở cơ quan nhà nước, nếu như có người nộp đơn khiếu nại tranh chấp là thủ tục sang tên sổ đỏ có thể bị ngăn chặn và bị tạm dừng để giải quyết tranh chấp. 

Hỏi thông tin từ nhiều phía

Những tranh chấp này hơi khó tìm hiểu. Có lẽ bạn cần chịu khó hỏi thông tin từ hàng xóm xung quanh, lân cận gần nhất với căn nhà hay thửa đất bạn định mua. Bạn cũng có thể hỏi UBND phường, xã nơi có đất thông tin về các tranh chấp này. Nhiều khi UBND phường, xã họ nắm rất rõ và tương đối đầy đủ thông tin cần thiết cho bạn.

4. Thông tin vay nợ – thế chấp

Nếu thửa đất có sổ đỏ đã được thế chấp ngân hàng thì bạn nhận biết thông tin rất đơn giản. Bạn chỉ cần xem ở bìa 4 (hoặc bìa 3) của sổ đỏ thì sẽ thấy thông tin đăng ký thế chấp. Cũng có sổ đỏ họ có gắn thêm 1 tờ riêng ghi thông tin thế chấp. Giữa tờ này và sổ đỏ có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai. Nếu có trường hợp người bán muốn giấu thông tin thế chấp bằng cách gỡ tờ đó ra. Thì bạn quan sát sẽ thấy ở 1 góc, cạnh nào đó của sổ đỏ chỉ có 1 phần dấu giáp lai thôi. Trường hợp này tuy hiếm nhưng không phải không có.

Việc dùng sổ đỏ thế chấp để vay nóng, vay lãi cao cho dù có hiệu lực hay vô hiệu thì thực tế nó cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc mua và sử dụng nhà, đất sau này của bạn. Nhất là khi người bán có thể không chỉ thế chấp ở 1 nơi. Vậy nên bạn cũng cần lưu ý điều này.  Ở bước này, có 1 cách cũng tương đối đơn giản để kiểm tra đó là: trước khi làm thủ tục mua bán nhà đất bạn yêu cầu được xem sổ đỏ gốc. Thường thì bên cho vay nhận thế chấp sẽ giữ sổ đỏ gốc nên người bán sẽ không có để cho bạn kiểm tra. Còn nếu có thì bạn có thể yên tâm phần nào về vấn đề này nhé.

Thông tin vay nợ

5. Thông tin về người bán

Nếu người bán nhà đất là chính chủ. Ngoài các thông tin liên quan đến thế chấp tôi vừa nói ở phần trên. Thì khi bạn tiếp xúc, nói chuyện và trao đổi bạn cũng sẽ cảm nhận được độ đáng tin cậy và trung thực của họ. Vấn đề này tùy vào cảm nhận chủ quan của mỗi người. Cảm nhận này có lẽ sẽ giúp ích cho bạn trong việc trả giá nhiều hơn là đánh giá tính pháp lý.

Nếu bạn là người bán, ngoài việc tiếp xúc và trao đổi để tìm hiểu về người mua. Thì bạn cần lưu ý nếu như bạn có đưa sổ đỏ gốc cho người mua nhà đất xem. Thì bạn không được rời mắt khỏi sổ đỏ gốc của bạn bất kỳ lúc nào cho đến khi người mua xem xong và trả lại bạn. Lý do là vì hiện nay có nhiều trường hợp giả vờ làm người mua nhà đất. Sau đó lợi dụng sơ hở của chủ nhà để tráo sổ đỏ gốc bằng sổ đỏ giả. Vậy bạn nên đề phòng cẩn thận sẽ đảm bảo an toàn hơn.

6. Thỏa thuận quy trình, thủ tục mua bán nhà đất

Sau khi đã tìm hiểu thông tin và quyết định mua bán nhà đất. Bước tiếp theo bạn cần làm là thỏa thuận các bước và giai đoạn thực hiện thủ tục mua bán nhà đất như thế nào. Đây có thể coi là bước rất quan trọng, quyết định sự thành công và thuận lợi của giao dịch mua bán nhà đất và sang tên sổ đỏ sau này. Thông thường, đến bước này bạn nên nhờ một người chuyên nghiệp để tư vấn cho bạn. Chẳng hạn như luật sư, công chứng viên. Họ sẽ giúp bạn hiểu thêm về thủ tục mua bán nhà đất và tư vấn cho bạn các bước làm thủ tục thuận lợi.

Cảm ơn bạn đã xem bài Thủ tục pháp lý cần kiểm tra khi mua bán nhà đất? Mời bạn xem thêm chia sẻ kênh Youtube Phạm Văn Nam

Bản quyền thuộc về Phạm Văn Nam và cộng sự. Cấm mọi hình thức sao chép khi chưa có phép bằng văn bản.

error: Content is protected !!